KHOA CẤP CỨU – HỒI SỨC TÍCH CỰC – CHỐNG ĐỘC

Giới thiệu chung

Cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc là nhiệm vụ hết sức quan trọng, đơn vị cấp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải tổ chức cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc kịp thời trong mọi tr­ường hợp.

Tất cả các trường hợp cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc các cán bộ y tế phải khẩn tr­ương thực hiện nhiệm vụ theo mức độ ưu tiên, không được gây khó khăn về thủ tục hành chính, không được đùn đẩy người bệnh, người bị nạn (sau đây gọi chung là người bệnh).

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải ­ưu tiên tập trung mọi điều kiện về con người, trang thiết bị và cơ sở vật chất tốt nhất để cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc cho ngư­ời bệnh.

Công tác cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc phải bảo đảm hoạt động liên tục 24/24 giờ.

Chức năng – Nhiệm vụ

Là khoa lâm sàng có nhiệm vụ tiếp tục điều trị và chăm sóc tích cực những người bệnh của các khoa lâm sàng trong bệnh viện chuyển đến.

Tham gia cấp cứu ngoài bệnh viện và tại bệnh viện trong tình huống xảy ra cấp cứu hàng loạt, cấp cứu thảm hoạ.

Phối hợp và hỗ trợ chuyên môn cho hệ thống cấp cứu tại các khoa khác trong bệnh viện.

Trường hợp người bệnh nặng vượt quá khả năng chuyên môn thì hội chẩn, mời tuyến trên hỗ trợ hoặc chuyển người bệnh.

Nhiệm vụ – Quyền hạn

1. Trưởng khoa khoa Cấp cứu- Hồi sức tích cực- Chống độc ngoài nhiệm vụ và quyền hạn chung của trưởng khoa lâm sàng còn có nhiệm vụ:

a) Tổ chức cho khoa làm việc 24/24 giờ theo ca hoặc theo chế độ thường trực tuỳ theo tình hình cụ thể, tổ chức dây chuyền làm việc hiệu quả;

b) Phân loại người bệnh theo mức độ nặng, tính chất bệnh;

c) Chịu trách nhiệm về chất lượng chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh của khoa. Nếu bệnh tiến triển xấu hoặc sau 48 giờ chưa có chẩn đoán xác định, phải tổ chức hội chẩn;

d) Bố trí mặt bằng, huy động nhân lực, trang thiết bị trong trường hợp xảy ra cấp cứu hàng loạt, cấp cứu thảm hoạ;

đ) Thường xuyên cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, khoa học – kỹ thuật của cán bộ, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho các bác sĩ và điều dưỡng của khoa;

e) Chỉ đạo, triển khai công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong công tác.

2. Bác sĩ khoa Cấp cứu- Hồi sức tích cực- Chống độc có nhiệm vụ:

a) Tiếp nhận người bệnh từ  các khoa lâm sàng khác chuyển đến;

b) Thăm khám người bệnh, chỉ định xét nghiệm, điều trị và thực hiện các thủ thuật chuyên khoa theo đúng các quy định. Ghi chép đầy đủ tình trạng người bệnh và các y lệnh vào bệnh án và bảng theo dõi của bác sĩ;

c) Báo cáo tình hình người bệnh với lãnh đạo khoa khi giao ban, đi buồng, xin ý kiến lãnh đạo khoa trong các trường hợp khó, mời hội chẩn khi cần;

d) Thực hiện các quy trình chẩn đoán, điều trị, thủ thuật cấp cứu và hồi sức;

đ) Bàn giao người bệnh và y lệnh giữa các ca phải chính xác, đầy đủ và có sổ bàn giao;

e) Thường xuyên học tập để cập nhật, nâng cao kiến thức chuyên khoa và tay nghề. Tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến.

3. Điều dưỡng viên khoa Cấp cứu- Hồi sức tích cực- Chống độc có nhiệm vụ:

a) Thực hiện các quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật bệnh viện;

b) Tiếp nhận, bảo quản và sử dụng các thuốc men, dụng cụ, phương tiện, theo quy định, sẵn sàng phục vụ người bệnh;

c) Khẩn trương thực hiện y lệnh. Theo dõi và ghi chép đầy đủ diễn biến bệnh, việc thực hiện y lệnh vào bảng theo dõi của điều dưỡng;

d) Báo cáo ngay bác sĩ, điều dưỡng trưởng khi người bệnh có diễn biến bất thường hoặc có khó khăn trong việc thực hiện y lệnh, chăm sóc người bệnh;

đ) Bàn giao đầy đủ việc chăm sóc người bệnh cho ca làm việc sau.

4. Các nhân viên khác của khoa Cấp cứu- Hồi sức tích cực- Chống độc thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của trưởng khoa.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực

1. Cơ sở vật chất, trang thiết bị

a) Khoa Cấp cứu- Hồi sức tích cực- Chống độc được bố trí liên hoàn và hợp lý tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chăm sóc và điều trị tích cực người bệnh;

b) Khoa Cấp cứu- Hồi sức tích cực- Chống độc có: buồng bệnh thông thường, buồng bệnh cách ly, buồng bệnh vô khuẩn, buồng thủ thuật, buồng để các phương tiện, máy móc, dụng cụ, nơi chuẩn bị đồ ăn cho người bệnh, nơi rửa dụng cụ…

c) Thuốc, trang bị thiết bị y tế, phương tiện phục vụ người bệnh:

   – Hệ thống cung cấp oxy trung tâm;

   – Hệ thống khí nén và hút trung tâm;

   – Điện ưu tiên và nguồn điện dự phòng;

   – Hệ thống nước sạch, vô trùng, nước nóng;

   – Giường bệnh chuyên dùng cho hồi sức cấp cứu có hệ thống báo gọi;

   – Hệ thống máy theo dõi liên tục;

   – Các phương tiện phục vụ chẩn đoán, theo dõi tại giường (máy chụp X quang, điện tim, siêu âm, xét nghiệm nhanh, đèn gù…);

   – Các phương tiện phục vụ điều trị (máy truyền dịch, bơm tiêm điện, máy hô hấp nhân tạo xâm nhập và không xâm nhập, bóng Ambu, hệ thống hút liên tục, máy sốc điện, máy tạo nhịp tim, các máy lọc máu ngoài thận, nội soi: phế quản, thực quản dạ dày…);

   – Phương tiện vận chuyển bệnh nhân (xe cáng, xe đẩy, bình oxy nhỏ, máy thở dùng trong vận chuyển,…);

   – Thuốc hồi sức cấp cứu theo danh mục được giám đốc phê duyệt.

2. Nhân lực

a) Đội ngũ cán bộ bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý được đào tạo về nghiệp vụ chuyên môn cấp cứu, hồi sức tích cực, chống độc;

b) Cán bộ làm công tác cấp cứu, hồi sức tích cực, chống độc thường xuyên được đào tạo bổ sung và cập nhật kiến thức mới.