Giới thiệu
1. Khoa khám bệnh là khoa lâm sàng có nhiệm vụ:
a) Tổ chức và tiếp nhận người bệnh đến cấp cứu.
b) Khám bệnh, chọn lọc người bệnh vào điều trị nội trú: thực hiện công tác điều trị ngoại trú và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe ban đầu.
c) Tổ chức khám sức khỏe định kỳ, theo dõi tình hình bệnh tật trong vùng dân cư được phụ trách để có biện pháp ngăn ngừa bệnh tật.
d) Tổ chức dây chuyền khám sức khỏe theo nhiệm vụ được giao.
2. Các trưởng khoa điều trị trong bệnh viện phải chịu trách nhiệm về chất lượng khám chuyên khoa, điều trị người bệnh ngoại trú tại khoa khám bệnh; cử cán bộ chuyên khoa có trình độ chuyên môn kỹ thuật thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa, luân phiên 3 đến 6 tháng ra công tác tại khoa khám bệnh.
3. Khoa khám bệnh được bố trí một chiều theo quy định, có đủ thiết bị y tế và biên chế phục vụ theo phân hạng của bệnh viện.
Chức năng – Nhiệm vụ
1. Tiếp đón người bệnh:
a) Trưởng khoa khám bệnh có trách nhiệm:
– Bố trí điều dưỡng có kinh nghiệm về chuyên môn kỹ thuật, có tinh thần trách nhiệm, thái độ niềm nở hòa nhã, trang phục chỉnh tề tiếp đón người bệnh ngay từ lúc ban đầu đến khoa khám bệnh.
– Tổ chức nơi chờ có đủ ghế ngồi, nước uống, ấm về mùa đông, mát về mùa hè cho người bệnh.
– Tuyên truyền giáo dục phòng dịch bệnh và giáo dục sức khỏe với các hình thức thích hợp.
b) Điều dưỡng có trách nhiệm:
– Thăm hỏi, an ủi người bệnh và gia đình người bệnh để họ yên tâm, tin tưởng vào khám bệnh, chữa bệnh.
– Thực hiện các thủ tục hành chính chuyên môn theo quy định, hướng dẫn hoặc đưa người bệnh tới các buồng khám chuyên khoa.
– Khẩn trương tiếp đón người bệnh cấp cứu, đưa ngay vào buồng cấp cứu, các thủ tục giải quyết sau.
– Ghi sổ khám bệnh chung, ghi đầy đủ nội dung các cột mục theo quy định.
– Dành thời gian hàng ngày phổ biến, hướng dẫn người bệnh về kiến thức giáo dục sức khỏe.
– Làm báo cáo hàng ngày, hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng và báo cáo đột xuất.
– Bảo quản hồ sơ khám bệnh, điều trị ngoại trú theo chuyên khoa.
2. Khám bệnh tại buồng cấp cứu:
a) Bác sĩ khám bệnh có trách nhiệm:
– Thăm khám ngay, chẩn đoán ban đầu, ra y lệnh và làm các thủ thuật cấp cứu.
– Làm hồ sơ bệnh án tóm tắt ban đầu, sau khi người bệnh qua cơn nguy hiểm sẽ làm bệnh án đầy đủ.
– Theo dõi tình trạng người bệnh, nếu:
+ Bệnh ổn định kê đơn cho người bệnh về tiếp tục điều trị tại nhà.
+ Bệnh chưa rõ để người bệnh nằm lưu theo dõi.
+ Bệnh nặng đưa ngay người bệnh vào khoa hồi sức cấp cứu hoặc các khoa điều trị nội trú thích hợp.
– Trường hợp người bệnh nằm lưu phải làm hồ sơ bệnh án, theo dõi ghi đầy đủ các diễn biến của người bệnh và chăm sóc như người bệnh nội trú: không để người bệnh nằm lưu quá 24 giờ; phải bố trí buồng lưu người bệnh nam, nữ, trẻ em riêng.
– Trường hợp người bệnh bị tai nạn, mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, người bệnh tử vong… phải ghi nhận xét đầy đủ vào hồ sơ bệnh án và báo cáo trưởng khoa khám bệnh, giám đốc bệnh viện biết và giải quyết.
b) Điều dưỡng có trách nhiệm:
– Khai thác ngay các chỉ số sinh tồn, ghi phiếu và báo cáo bác sĩ khám bệnh.
– Thực hiện y lệnh ngay và chăm sóc, theo dõi sát sao người bệnh.
3. Khám bệnh tại các buồng khám chuyên khoa:
a) Bác sĩ khám bệnh có trách nhiệm:
– Thăm khám người bệnh tỉ mỉ, thận trọng và chính xác, thăm khám toàn cơ thể hoặc từng bộ phận theo chuyên khoa: kết hợp xét nghiệm cận lâm sàng.
– Chỉ định điều trị thích hợp sau khi thăm khám xác định mức độ bệnh.
– Kê đơn thuốc về nhà điều trị và theo dõi ở tuyến y tế cơ sở hoặc hồ sơ bệnh án điều trị ngoại trú.
– Làm hồ sơ bệnh án vào viện điều trị nội trú.
b) Bác sĩ cận lâm sàng có trách nhiệm:
– Trả kết quả xét nghiệm thường quy cho người bệnh trong ngày.
– Các xét nghiệm đặc biệt làm trong khoa xét nghiệm cũng phải trả kết quả sớm để phục vụ cho công việc chẩn đoán.
c) Điều dưỡng có trách nhiệm:
– Ghi sổ khám bệnh chuyên khoa.
– Đưa người bệnh vào khoa điều trị, bàn giao đầy đủ hồ sơ bệnh án, tình trạng người bệnh với điều dưỡng trưởng khoa hoặc điều dưỡng hành chính khoa.
4. Thực hiện thủ thuật chuyên khoa:
a) Bác sĩ chuyên khoa tại khoa khám bệnh được thực hiện thủ thuật chuyên khoa cho người bệnh đã được khám bệnh tại khoa và có trách nhiệm:
– Thực hiện quy chế công tác khoa ngoại và quy chế công tác khoa phẫu thuật – gây mê hồi sức.
– Thực hiện đúng các quy định kỹ thuật bệnh viện.
b) Điều dưỡng có trách nhiệm:
– Ghi sổ thủ thuật chuyên khoa theo mẫu quy định.
– Phụ bác sĩ làm thủ thuật chuyên khoa.
5. Trật tự vệ sinh:
a) Giám đốc bệnh viện có trách nhiệm tạo điều kiện:
– Bố trí dây chuyền phòng khám một chiều, thuận tiện; có phòng khám truyền nhiễm riêng, lối đi riêng.
– Có đủ ghế cho người bệnh ngồi chờ.
– Có buồng vệ sinh, buồng tắm cho người bệnh và các thành viên trong bệnh viện riêng.
– Có quầy thuốc phục vụ người bệnh.
– Có nơi để xe đạp, xe máy riêng cho người bệnh và các thành viên trong bệnh viện.
b) Trưởng khoa khám bệnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện:
– Có bảng sơ đồ chỉ dẫn của khoa khám bệnh, các buồng khám chuyên khoa, buồng thủ thuật chuyên khoa.
– Có nội quy của khoa khám bệnh, quy định về y đức, về quyền lợi và nghĩa vụ của người bệnh và gia đình người bệnh đối với bệnh viện.
– Xây dựng lịch làm việc của các chuyên khoa, niêm yết tại nơi tiếp đón người bệnh.
– Có biển đề tên buồng khám chuyên khoa và biển đề tên bác sĩ, điều dưỡng phục vụ. Quy cách biển, chữ viết và màu sắc thống nhất.
6. Tổ chức thực hiện
– Căn cứ quy chế này, Trưởng khoa triển khai tổ chức thực hiện theo đúng quy định và báo cáo kết quả cho Lãnh đạo theo định kỳ hoặc đột xuất.
– Trưởng khoa có trách nhiệm quán triệt từng viên chức thực hiện đúng quy chế; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và giám sát thực hiện tốt quy chế này. Nếu phát hiện vi phạm phải kịp thời xử lý theo quy chế khoa.
– Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, các khoa có ý kiến bằng văn bản gửi về phòng Kế hoạch Tổng hợp để được hướng dẫn hoặc tổng hợp báo cáo cho Ban Giám đốc để xem xét chỉ đạo cho phù hợp./.