Giới thiệu chung
1. Khoa ngoại tổng hợp là khoa lâm sàng thực hiện khám bệnh,
chữa bệnh chủ yếu bằng các thủ thuật và phẫu thuật.
2. Khoa ngoại được bố trí liên hoàn, thuận tiện cho công tác
phẫu thuật, chăm sóc và vận chuyển người bệnh.
3. Các phương tiện và dụng cụ phẫu thuật phải đồng bộ, có chất
lượng tốt.
4. Bảo đảm yêu cầu vô khuẩn:
a) Các dụng cụ phẫu thuật, thủ thuật.
b) Mọi thành viên khi vào buồng phẫu thuật phải thực hiện
quy định kỹ thuật vô khuẩn.
c) Không di chuyển người, dụng cụ từ nơi hữu khuẩn tới nơi
vô khuẩn.
Chức năng – Nhiệm vụ
1. Tại buồng khám bệnh chuyên khoa ngoại tổng hợp của khoa
khám bệnh:
a) Các thành viên của khoa ngoại tổng hợp phải đặc biệt chú
ý thực hiện quy chế công tác khoa khám bệnh, quy chế chống nhiễm khuẩn bệnh viện.
b) Một số công tác đặc thù khi khám chuyên khoa ngoại tổng hợp:
– Trưởng khoa khám bệnh có trách nhiệm:
+ Sắp xếp các buồng khám liên hoàn: buồng khám ngoại, buồng
làm thủ thuật, buồng thay băng, buồng bó bột…
+ Kiểm tra điều dưỡng về việc chuẩn bị thuốc, y dụng cụ để
phục vụ cho công tác cấp cứu.
– Bác sĩ khám bệnh có trách nhiệm:
+ Khẩn trương thăm khám, làm hồ sơ bệnh án, chỉ định xét
nghiệm cận lâm sàng cần thiết để có chẩn đoán xác định, có hướng xử lý kịp thời.
+ Thực hiện chế độ hội chẩn theo quy định, tránh mọi trường
hợp theo dõi người bệnh cấp cứu quá 6 giờ mà chưa có hướng điều trị.
+ Trường hợp có chỉ định phẫu thuật cấp cứu, đưa thẳng người
bệnh đến buồng phẫu thuật.
+ Thực hiện thủ thuật theo quy định kỹ thuật bệnh viện.
2. Tại khoa điều trị
a) Chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật:
– Trường hợp người bệnh có diễn biến xấu cần phẫu thuật cấp
cứu được đưa thẳng vào buồng phẫu thuật, làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần
thiết, hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án và chuẩn bị tiến hành phẫu thuật.
– Trường hợp người bệnh không thuộc diện phẫu thuật cấp cứu,
cần chuẩn bị hồ sơ, thủ tục đưa vào kế hoạch phẫu thuật.
b) Trưởng khoa ngoại tổng hợp có trách nhiệm:
– Thực hiện chức trách của trưởng khoa lâm sàng.
– Bố trí buồng bệnh hợp lý gồm các buồng cấp cứu, hậu phẫu
vô khuẩn, hữu khuẩn, chấn thương hở, chấn thương kín, bỏng…
– Duyệt từng trường hợp người bệnh có chỉ định phẫu thuật,
thống nhất phương pháp phẫu thuật, phương pháp gây mê, gây tê hoặc châm tê.
– Phân công phẫu thuật viên và các thành viên liên quan.
– Lập kế hoạch phẫu thuật trong tuần trình giám đốc bệnh viện
phê duyệt.
– Báo cáo phòng Kế hoạch Tổng hợp để thông báo kế hoạch phẫu
thuật tới khoa phẫu thuật – gây mê hồi sức và các khoa có liên quan để chuẩn bị
tổ chức cuộc phẫu thuật.
c) Bác sĩ điều trị có trách nhiệm:
– Thăm khám tỉ mỉ, lập hồ sơ bệnh án, cho làm các xét nghiệm
cần thiết để có chẩn đoán xác định bệnh, chỉ định điều trị và chăm sóc.
– Trường hợp bệnh khó phải tiến hành khám các chuyên khoa có
liên quan, báo cáo trưởng khoa thực hiện hội chẩn.
– Giải thích cho người bệnh và gia đình người bệnh biết và
ký vào giấy cam đoan xin phẫu thuật.
– Tham gia phẫu thuật theo sự phân công của trưởng khoa.
– Theo dõi và điều trị người bệnh trước và sau khi phẫu thuật.
d) Điều dưỡng chăm sóc có trách nhiệm:
– Thực hiện nghiêm chỉnh y lệnh của bác sĩ điều trị.
– Theo dõi sát sao, chăm sóc chu đáo người bệnh theo quy chế
công tác chăm sóc toàn diện.
– Động viên giải thích cho người bệnh hiểu và tin tưởng vào
kế hoạch phẫu thuật.
– Làm vệ sinh cá nhân, thay quần áo phẫu thuật cho người bệnh
theo quy định trước khi chuyển bệnh lên buồng phẫu thuật.
3. Tại buồng chăm sóc sau phẫu thuật:
a) Bác sĩ điều trị có trách nhiệm:
– Sẵn sàng tiếp nhận người bệnh từ buồng phẫu thuật chuyển về.
– Theo dõi các diễn biến sau phẫu thuật, phát hiện kịp thời
các tai biến sau phẫu thuật để xử lý kịp thời.
– Có biện pháp chống lây chéo, bội nhiễm cho người bệnh.
b) Điều dưỡng có trách nhiệm:
– Thực hiện nghiêm chỉnh y lệnh của bác sĩ điều trị.
– Theo dõi sát mạch, nhiệt độ, huyết áp người bệnh phát hiện
kịp thời tai biến nhiễm khuẩn, chảy máu, chèn ép sau phẫu thuật, báo cáo bác sĩ
điều trị để xử lý kịp thời.
– Hướng dẫn người bệnh luyện tập phục hồi sau khi vết phẫu
thuật đã ổn định.
4. Tại buồng điều trị chấn thương:
a) Bác sĩ điều trị có trách nhiệm:
– Thăm khám người bệnh theo quy chế công tác khoa khám bệnh.
– Xử lý kịp thời các trường hợp gãy xương kín, gãy xương hở,
cố định, chống choáng, phòng chống uốn ván theo quy định kỹ thuật bệnh viện.
– Trường hợp người bệnh có chỉ định phẫu thuật: chuyển khoa
phẫu thuật – gây mê hồi sức xử lý kịp thời.
b) Điều dưỡng có trách nhiệm:
– Thực hiện nghiêm chỉnh y lệnh của bác sĩ điều trị.
– Chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cầm máu, cố định, chống
choáng.
– Chuyển người bệnh đến khoa phẫu thuật – gây mê hồi sức.
– Theo dõi sát người bệnh, động viên an ủi người bệnh theo
quy chế chăm sóc người bệnh toàn diện.
5. Tại buồng điều trị bỏng:
a) Bác sĩ điều trị có trách nhiệm:
– Thực hiện cấp cứu người bệnh theo quy chế cấp cứu.
– Thực hiện các biện pháp chống nhiễm khuẩn theo quy chế chống
nhiễm khuẩn bệnh viện.
– Nuôi dưỡng người bệnh tùy theo tình trạng từng người bệnh
có kế hoạch nuôi dưỡng thích hợp.
– Thực hiện truyền máu theo quy chế công tác khoa truyền
máu.
– Thực hiện ghép da cho người bệnh bỏng tại khoa phẫu thuật,
gây mê hồi sức.
– Kết hợp khoa vật lý trị liệu – phục hồi chức năng điều trị
người bệnh chóng phục hồi.
b) Điều dưỡng có trách nhiệm:
Thực hiện nghiêm chỉnh y lệnh của bác sĩ điều trị, phát hiện
các diễn biến bất thường báo cáo bác sĩ điều trị xử lý kịp thời theo quy chế
chăm sóc người bệnh toàn diện.
6. Tổ chức thực hiện
– Căn cứ quy chế này, Trưởng
khoa triển khai tổ chức thực hiện theo đúng quy định và báo cáo kết quả
cho Lãnh đạo theo định kỳ hoặc đột xuất.
– Trưởng khoa có trách nhiệm quán triệt từng viên chức thực
hiện đúng quy chế; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và giám sát thực hiện tốt
quy chế này. Nếu phát hiện vi phạm phải kịp thời xử lý theo quy chế khoa.
– Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, các
khoa có ý kiến bằng văn bản gửi về phòng Kế hoạch Tổng hợp để được hướng dẫn hoặc
tổng hợp báo cáo cho Ban Giám đốc để xem xét chỉ đạo cho phù hợp./.