Giới thiệu chung
1. Khoa Phụ – Sản là khoa lâm sàng có nhiệm vụ đỡ đẻ chăm
sóc sức khỏe bà mẹ trẻ sơ sinh và khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa.
2. Khoa được bố trí liên hoàn, hợp lý để bảo đảm công tác
chuyên môn.
3. Trang thiết bị y tế phải đồng bộ, đúng chuyên khoa theo
phân hạng bệnh viện.
Chức năng – Nhiệm vụ
1. Tại buồng khám bệnh chuyên khoa Phụ – Sản của khoa khám bệnh:
a) Các thành viên trong buồng khám bệnh đặc biệt chú ý thực
hiện quy chế công tác khoa khám bệnh, quy chế công tác khoa ngoại, quy chế công
tác khoa phẫu thuật – gây mê hồi sức và quy chế chống nhiễm khuẩn bệnh viện.
b) Một số công tác đặc thù khi khám chuyên khoa phụ sản:
– Trưởng khoa khám bệnh có trách nhiệm: bố trí các buồng
khám theo hạng bệnh viện:
+ Buồng khám thai.
+ Buồng khám phụ khoa.
+ Buồng thủ thuật.
+ Nơi cọ rửa và cất dụng cụ vệ sinh.
– Bác sĩ khám bệnh có trách nhiệm:
+ Khám thai phải khai thác kỹ quá trình thai nghén, chỉ định
các xét nghiệm cận lâm sàng và làm hồ sơ bệnh án sản khoa.
+ Khám bệnh phụ khoa phải khai thác kỹ tiền sử bệnh kết hợp
với các chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng và làm hồ sơ bệnh án phụ khoa.
+ Căn cứ vào kết quả khám bệnh cho người bệnh được điều trị
nội trú hoặc ngoại trú theo quy định.
– Nữ hộ sinh thực hiện:
Khám thai, phát hiện thai bất thường phải mời ngay bác sĩ sản
khoa đến khám lại và giải quyết kịp thời.
2. Tại khoa điều trị và buồng thủ thuật:
a) Các thành viên trong khoa điều trị và buồng thủ thuật đặc
biệt chú ý thực hiện quy chế công tác khoa ngoại, quy chế công tác khoa phẫu
thuật – gây mê hồi sức và quy chế chống nhiễm khuẩn bệnh viện.
b) Phẫu thuật viên phụ sản phải bảo đảm tiêu chuẩn quy định
tại quy chế công tác khoa phẫu thuật – gây mê hồi sức.
c) Một số công tác đặc thù của khoa điều trị phụ sản:
– Trưởng khoa phụ sản có trách nhiệm:
+ Bố trí khoa gồm hai bộ phận:
· Bộ phận sản khoa: Buồng chờ đẻ, buồng đẻ thường, buồng đẻ
khó, buồng đẻ nhiễm khuẩn, buồng làm thuốc, buồng sản phụ, buồng trẻ sơ sinh bệnh
lý, nơi tắm trẻ sơ sinh, nơi pha sữa.
· Bộ phận phụ khoa: Buồng khám bệnh, buồng thủ thuật.
+ Bảo đảm sản phụ được vệ sinh cá nhân, mặc áo, váy của bệnh
viện.
+ Bảo đảm có đủ nước sạch và nước nóng cho sản phụ tắm rửa.
– Bác sĩ sản phụ có trách nhiệm:
+ Theo dõi sát sản phụ, ghi đầy đủ các diễn biến vào hồ sơ bệnh
án khi có dấu hiệu cấp cứu về sản, phụ và thai nhi phải xử lý kịp thời.
+ Thực hiện đỡ đẻ khó, khi cần phải can thiệp phẫu thuật thực
hiện quy chế công tác khoa ngoại và quy chế công tác khoa phẫu thuật gây mê hồi
sức.
– Phẫu thuật viên có trách nhiệm:
+ Thực hiện phẫu thuật, thủ thuật theo sự phân công của trưởng
khoa.
+ Tạo mọi điều kiện thuận tiện, thoải mái cho người phụ nữ
được thực hiện các kỹ thuật khám chữa bệnh chuyên khoa.
– Nữ hộ sinh thực hiện:
+ Thực hiện đỡ đẻ thường.
+ Đánh số sản phụ và trẻ sơ sinh, ghi phiếu theo dõi, tránh
nhầm lẫn.
+ Sau khi đỡ đẻ phải kiểm tra ngay trẻ sơ sinh: Nếu trẻ có dấu
hiệu bất thường phải báo cáo bác sĩ sản khoa để xử lý kịp thời và chuyển đến buồng
nuôi dưỡng riêng.
+ Tuyên truyền, hướng dẫn về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà
mẹ – trẻ sơ sinh và kế hoạch hóa gia đình.
3. Tổ chức thực hiện
– Căn cứ quy chế này, Trưởng khoa triển khai tổ chức thực hiện
theo đúng quy định và báo cáo kết quả cho Lãnh đạo theo định kỳ hoặc đột xuất.
– Trưởng khoa có trách nhiệm quán triệt từng viên chức thực
hiện đúng quy chế; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và giám sát thực hiện tốt
quy chế này. Nếu phát hiện vi phạm phải kịp thời xử lý theo quy chế khoa.
– Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, các
khoa có ý kiến bằng văn bản gửi về phòng Kế hoạch Tổng hợp để được hướng dẫn hoặc
tổng hợp báo cáo cho Ban Giám đốc để xem xét chỉ đạo cho phù hợp./.