SỐT XUẤT HUYẾT: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, CÁCH ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA

I. Bệnh sốt xuất huyết là gì?

  •  Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút dengue sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
  • Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.

II. Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là gì ?

  • Muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn.
  • Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.
  • Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo đặc biệt quần áo có mùi mồ hôi, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.
  • Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, xô, chậu, giếng nước, hốc cây, hòn non bộ… các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa, vỏ sữa chua, máng thoát nước mưa bị tắc…Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20º C.

III. Bệnh sốt xuất huyết có nguy hiểm không ?

  • Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh, thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.
  • Virus này có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó mà thôi. Chính vì vậy mà những người sống trong vùng lưu hành dịch dengue có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời do nhiễm các chủng virus khác nhau.

IV. Các giai đoạn của bệnh sốt xuất huyết ?

1. Giai đoạn sốt

  • Thời kì ủ bệnh 3 – 6 ngày, một số trường hợp có thể kéo dài đến 15 ngày.
  • Sốt cao, đột ngột, liên tục, kéo dài 2 – 7 ngày có thể không đáp ứng với thuốc hạ sốt
  • Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.
  • Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.
  • Thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.

2. Giai đoạn nguy hiểm: thường vào ngày thứ 3 – 7 của bệnh

  • Người bệnh có thể còn sốt hoặc đă giảm sốt.
  • Có thể có các biểu hiện sau:

– Đau bụng nhiều: đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng dưới sườn phải do gan phình to gan.Vật vã, lừ đừ, li bì,nôn ói.

– Biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24 – 48 giờ):

+ Tràn dịch màng phổi, mô kẽ có các triệu chứng như: đau ngực khi thay đổi tư thế, căng tức nặng ngực và khó thở.Triệu chứng nặng khi bị tràn dịch màng bụng như: Chướng bụng, bụng to nhanh.phù nề mi mắt.

+ Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 20mmHg hoặc tụt huyết áp, không đo được huyết áp, mạch không bắt được, da lạnh, nổi vân tím (sốc nặng), tiểu ít.

– Xuất huyết:

+ Xuất huyết dưới da: Nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn hoặc mảng bầm tím.

+ Xuất huyết niêm mạc như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài (tiêu) phân đen hoặc máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu.

+ Xuất huyết nặng: chảy máu mũi nặng (cần nhét bấc hoặc gạc cầm máu), xuất huyết âm đạo nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng (phổi, não, gan, lách, thận), với các triệu chứng như: Nôn ra máu, đi tiểu ra máu, ho ra máu… thường kèm theo tình trạng sốc. Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc kháng viêm như acetylsalicylic acid (aspirin), ibuprofen hoặc dùng corticoid, tiền sử loét dạ dày – tá tràng, viêm gan mạn.

– Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như suy gan, thận, tim, phổi, não. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở người bệnh có hoặc không có sốc do thoát huyết tương.

3. Giai đoạn hồi phục: thường vào ngày thứ 7 – 10 của bệnh.

  • Người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu nhiều. Có thể phát ban hồi phục hoặc ngứa ngoài da, các chỉ số xét nghiệm dần trở về mức bình thường.
  • Có thể có nhịp tim chậm, không đều, có thể có suy hô hấp do quá tải dịch truyền.

VI. Cần làm gì khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết?

  • Đi khám tại cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị theo đơn bác sĩ; khám lại theo hẹn. Khi bị sốt xuất huyết thể nhẹ bệnh nhân sẽ được chăm sóc tại nhà và điều trị dựa trên triệu chứng như:
  • Hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể từ 38,5 độ C trở lên bằng Paracetamol, lau người bằng nước ấm khi sốt cao
  • Uống nhiều nước : dung dịch Oresol, nước trái cây…
  • Ăn  thức ăn lỏng, dễ tiêu: Cháo, súp, sữa, thực phẩm giàu vitamin C
  • Nằm màn cả ngày và đêm, nghỉ ngơi tại giường
  • Theo dõi hàng ngày các triệu chứng cho đến khi hết sốt 2 ngày
  • Tuy nhiên khi có các biểu hiện sau, bệnh nhân cần được đưa nhập viện ngay. 
  • Không ăn uống được, nôn ói nhiều.
  • Đau bụng nhiều hơn.
  • Tay chân lạnh, ẩm. 
  • Cảm thấy khó chịu nhiều hơn mặc dù đã giảm hoặc hết sốt. 
  • Mệt mỏi người li bì, bứt rứt, thay đổi hành vi.
  • Chảy máu mũi, ói ra máu, xuất huyết âm đạo bất thường, có máu lẫn ở trong phân, tiêu phân đen.
  • Trên 6 giờ không tiểu tiện.
  • Khi bệnh nhân có 1 trong những dấu hiệu trên cần đưa đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời tránh những biến chứng xấu xảy ra.

VII. Cách phòng bệnh sốt xuất huyết?

  • Cách phòng bệnh tốt nhất: là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
    – Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:
    + Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
    + Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại…) để diệt lăng quăng/bọ gậy.
    + Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, chum, xô chậu…) hàng tuần.
    + Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
    + Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.
    – Phòng chống muỗi đốt:
    + Mặc quần áo dài tay.
    + Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.
    + Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi…
    + Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
    + Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
    – Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

 

Bài viết liên quan